VietHealthy

VietHealthy

SĐT liên hệ: 093 837 8099 (08:00-17:00 T2-T7) Kiểm Tra Đơn Hàng Kiểm Tra Tích Điểm Facebook Bán Hàng Cùng VietHealthy

BÀN LUẬN TIẾP VỀ ĐỀ TÀI ĂN TRÁI CÂY.

BÀN LUẬN TIẾP VỀ ĐỀ TÀI ĂN TRÁI CÂY.

Bạn Trang Minh Nguyen vừa hỏi: "Chị ơi hôm trước em vừa đọc bài của chị share là nên ăn trái cây ngay sau khi ăn lại tốt cho tiêu hoá chứ ko phải như mng nghĩ là ăm trc và sau 1h ??? Vậy cuối cùng là sao ạ???".
Câu trả lời của tôi như sau, hơi dài dòng một chút.

Việc ăn cái gì, vào lúc nào, ăn gì tốt, ăn gì không tốt..., thì có rất nhiều quan điểm của các nhà dinh dưỡng, đều nổi tiếng trên thế giới, mà trái ngược nhau chan chát. Mỗi quan điểm và lời khuyên đều có cái đúng và cái sai, vì họ dựa trên các nhân tố khác nhau về loại thực phẩm đó, để ra kết luận. 
Vì vậy, cách của cá nhân tôi, là phải dùng logic cá nhân kết nối các nhân tố, để thử nghiệm và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình. Khi ai hỏi điều gì mới, tôi đều cố gắng tìm thông tin, rồi khuyến khích mọi người thử, sau đó chia sẻ.

Về việc ăn trái cây vào lúc nào thì tốt nhất, có 2 quan điểm trái ngược nhau, đều là của các nhà dinh dưỡng nổi tiếng:

1. Ăn trái cây sau bữa ăn chính:

1.1. Mặt xấu: 
- Thời gian tiêu hóa trái cây trong cơ thể chỉ là 1 tiếng, trong khi thời gian tiêu hóa các thức ăn khác là 3 đến 4 tiếng. Do vậy, khi ăn sau bữa ăn, trái cây sẽ bị trộn lẫn với các đồ ăn khác, kéo dài quá trình tiêu hóa, gây hiện tượng lên men. Những ai thấy hay bị đầy hơi, bụng ậm ạch sau bữa ăn, thì tuyệt đối không nên ăn trái cây sau bữa ăn. 
- Ăn cùng một lúc nhiều loại đồ ăn, sẽ dễ gây hiện tượng quá tải cho hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể với từng loại.

1.2. Mặt tốt: 
Ăn trái cây sau một bữa ăn có đầy đủ chất béo tốt và đạm động vật, sẽ giúp cho đường huyết không vọt lên do lượng đường chứa trong trái cây. Nhưng nếu bữa ăn đã có quá nhiều chất bột, thì việc ăn thêm trái cây sau bữa ăn sẽ đẩy đường huyết lên cao hơn, là điều khá nguy hiểm cho những ai bị tiểu đường.

2. Ăn trái cây khi đói, tốt nhất là trước bữa ăn quãng 1 tiếng:

2.1. Mặt xấu: 
- Dễ đẩy đường huyết lên cao. Ta có thể giải quyết việc này rất dễ dàng, bằng cách uống 1 đến 2 thìa dầu dừa quãng 15 phút trước khi ăn trái cây. Dầu dừa giúp ổn định đường huyết cực tốt. 
- Đến bữa ăn chính có thể bị no: cái gì cũng chỉ nên ăn vừa phải. Tối đa dưới một lạng trái cây trước bữa ăn 1 tiếng, là vừa phải.

2.2. Mặt tốt: 
- Ăn trái cây lúc đói giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng từ trái cây, đặc biệt là vitamin, khoáng chất và các loại enzymes tiêu hóa. Xin nhắc lại: để hạn chế tối đa mặt dở là đường huyết lên cao, nên uống dầu dừa 15 phút trước khi ăn trái cây.

3. Các loại thức ăn chứa nhiều enzymes tiêu hóa, nên ăn trước hoặc sau khi ăn bữa chính (tùy bạn quyết định).

3.1. Chứa enzymes giúp tiêu hóa chất đường và bột (carb): xoài, chuối, đu đủ, kim chi, miso.
3.2. Các thức ăn chứa enzymes giúp tiêu hóa chất béo: quả bơ, kefir, đậu nành lên men (miso), kim chi.
3.3. Các thức ăn chứa enzymes tiêu hóa chất đạm: gừng, kiwi, đu đủ, miso, kim chi, dứa.

Hy vọng các thông tin trên có ích giúp mọi người ra quyết định đúng cho bản thân. 
Cá nhân tôi: ăn gì, vào lúc nào, còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng bữa ăn, cũng như ăn thực phẩm gì trong bữa ăn đó.
Ví dụ: nếu bữa ăn đã nhiều carb, thì tôi bỏ qua không ăn trái cây, kể cả trước hoặc sau bữa ăn. Nếu bữa ăn nhiều chất béo và đậm, tôi ăn trái cây trước 1 tiếng, sau khi uống dầu dừa.
Ngày nào tôi cũng uống ít nhất 100ml kefir. Trong các bữa ăn luôn cố gắng có đồ chưa như kim chi, dưa muối các loại.