VietHealthy

VietHealthy

SĐT liên hệ: 093 837 8099 (08:00-17:00 T2-T7) Kiểm Tra Đơn Hàng Kiểm Tra Tích Điểm Facebook Bán Hàng Cùng VietHealthy

ĐỂ KHỎE MẠNH – “CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO”.

 

Cũng bởi vậy, tôi cực kỳ tâm đắc với câu trích dẫn của tác giả cuốn sách “Một cuốn sách kỳ diệu về dừa” – “Đừng hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước. Trước tiên hãy hỏi trưa nay bạn ăn gì” – Orson Welles.

Từ trước đến nay, ta hay nói về những điều cao cả, những việc làm lớn lao và vĩ đại. Có lẽ đã tới lúc, ta “hạ cánh” xuống mặt đất, để rồi tự hỏi mình: “Vậy thì thực sự, con người cần gì nhỉ?”
Tiền ư - chẳng phải đó chỉ là mấy tờ giấy người ta thỏa thuận với nhau để đổi chác các vật dụng, được gắn cái tên là giá?

Lý tưởng ư – chẳng ai chỉ có thể hít thở không khí để rồi thực hiện lý tưởng. Mà lý tưởng để làm gì, nếu không phải là hướng tới mục đích người người khỏe mạnh và vui vẻ?

Phải chăng điều quan trọng nhất với một con người: là sức khỏe của bản thân, gia đình? Chẳng gì có thể và đáng giá để đánh đổi sức khỏe của mình.

Hạnh phúc ư – khi không có gì để ăn, luôn đói khát, ít người thấy hạnh phúc. Vả lại: ai có thể định nghĩa được chính xác ý nghĩa của 2 từ HẠNH PHÚC? Tôi có cảm giác người ta chỉ hạnh phúc khi đang trong quá trình thực hiện một ước mơ cháy bỏng nào đó – mà khi đã đạt được rồi, cảm giác hạnh phúc biến đi khá nhanh.

Để đủ ăn, ăn cho ngon và khỏe - có lẽ không khó lắm, vì cũng chẳng cần những thứ đắt đỏ, to tát. Rau củ thịt cá trứng, ngô khoai sắn và chút gạo nguyên cám, vài búp trà khô hoặc tươi, ít sữa và cơm dừa, vài con dấm, ít men kefir...

Cái thực sự cần là sự kiên trì, quyết tâm, và sáng tạo. Đừng ai nói với tôi là nấu ăn dễ, không cần sáng tạo. Để có bữa ăn vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe - sáng tạo là tiêu chí tiên quyết.

Vậy thì: hãy quay lại với điều cơ bản nhất, quan trọng nhất đối với từng con người, từng gia đình – SỨC KHỎE.

Khi nói đến sức khỏe, là mọi người sẵn sàng nhao nhao lên bình luận (chẳng phải chỉ ở ta, mà cả ở tây): nào là hệ thống chăm sóc y tế, nào là lương hưu không đủ sống, làm sao khỏe mạnh…? Ờ nhỉ, cái thói quen đổ mọi vấn đề cho khách quan, cho xã hội, cho người khác – nó ăn rất rất sâu vào tiềm thức của từng con người, trong đó có bản thân U70 trước đây.

Các thứ mà ta gọi là "chăm sóc sức khỏe", thực sự là chăm sóc người ốm đau bệnh tật, là chữa bệnh, chứ đâu hướng tới dạy cho con người sống khỏe mạnh? Nếu ta không ốm đau bệnh tật, đâu cần những dịch vụ đó? 
Gần 10 năm nay, U70 khỏe mạnh, không ốm cú nào, trừ khi lật đật va cái nọ, đá cái kia, vậy sao cần ai chăm sóc?

Có mấy người thấu hiểu một sự thật trần trụi: “Sức khỏe chỉ nằm trong tay ta”. Nếu bản thân ta mà không quan tâm đến sức khỏe gia đình, thì sao bắt người khác quan tâm hộ được?

Để khỏe mạnh – giờ đây tôi hiểu rõ rằng: điều đầu tiên nhất, cơ bản nhất – là đồ ăn thức uống ta cho vào mồm hàng ngày. Nghe thì cứ tưởng dễ, chẳng dễ đâu nha, đừng có tưởng bở. 
- Nhiều người cứ nghĩ: có tiền là mua được ngay đồ ăn ngon và tốt. Quên đi: Ngon thì có thể, tốt cho sức khỏe thì không dám chắc. Có khi nó lại “tốt ngược” ấy chứ? Cũng kỳ lạ thật: ta cắm đầu cắm cổ kiếm tiền, để rồi đổ vào nhà cao cửa rộng, những bữa ăn túy lúy tốn hàng núi tiền. Để rồi tự làm cho sức khỏe cạn kiệt chỉ vì có tiền?
- Để bản thân, gia đình được thưởng thức những món ăn ngon, bổ, rẻ: thì cái câu các cụ dạy nó đúng lắm: “Muốn ăn thì lăn vào bếp. Chẳng ai khen cái nết hay làm”.

Chỉ lấy gia đình tôi làm ví dụ: hai người với 4 cái tay, 4 cái chân – phục vụ ăn uống chỉ cho tổng cộng 3 người, mà cũng không lấy gì làm “rỗi rãi” lắm, có lúc bận tíu tít ấy chứ. 
Liệt kê mà xem: các món ăn hàng ngày – dễ ợt, nấu cho mỗi bữa thì chỉ cần 1 người mất trung bình 1 tiếng/bữa, hôm nào đi chợ thì quãng 2 tiếng.
Nhưng các thứ “lởm khởm” khác, tốt cho sức khỏe – lại ngon nữa, mất công ta phết. Nào là trà lên men kombucha, kefir từ sữa và cơm dừa, sữa chua, các món tráng mie65nh vừa ngon, bổ, rẻ…Từ sáng đến giờ, U70 túi bụi làm được 2 thẩu trà lên men kombucha, giờ này chưa kịp tu “café ngược” đây này. Lại còn nồi nước xương hầm thuốc bắc, 2 ngày nay “vừa hầm vừa uống”. Đi Hà nội về, nên nguồn nước xương dự trữ cạn kiệt, trưa qua mới hầm được quãng 5 tiếng đã phải múc ra uống, vậy mà ai cũng xuýt xoa khen ngon.

Cho nên, các anh cứ tưởng mình oai, khi kiếm được nhiều tiền, để rồi nghĩ “ăn uống là cái đinh”, cơm nhà không ngon, ta đi ăn phở. 
Các chị cứ nghĩ là mình chỉ cần biết nấu cơm - tốt nhất là cũng phải học mà nấu phở - để thật sự nấu ra được loại phở ngon hơn "phở ngoài" ấy.

Ừ, còn các anh cứ lang thang mà ăn phở, vài năm nữa thì nào là tiểu đường, ung thư, gan thận đồng thanh lên tiếng – tiền chắc cũng cạn – thì phở có còn cũng chẳng ăn được nữa đâu? Mà thực sự, phở ngoài nó có chân, chạy nhanh lắm.